Chào Luật sư! Em muốn hỏi tư vấn về thủ tục và thời gian để người Ấn Độ sang Việt Nam nhập tịch và kết hôn với người Việt Nam.
CƠ SỞ PHÁP LÝ
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
- Luật Quốc tịch 2008;
- Luật hộ tịch năm 2014.
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về vấn đề tư vấn thủ tục và thời gian để người Ấn Độ sang Việt Nam nhập tịch và kết hôn với người Việt Nam. Co – op Law sẽ đưa ra quan điểm giúp bạn giải đáp thắc mắc về vấn đề này.
Đối với câu hỏi trên, chúng tôi đưa ra 1 số ý kiến pháp lý như sau:
Vì đây là người Ấn Độ và mong muốn có thể nhập quốc tịch Việt Nam và kết hôn với công dân Việt Nam. Chính vì thế, để giải quyết vấn đề trên, chúng ta cần phải làm như sau:
I. ĐỐI VỚI VIỆC NHẬP QUỐC TỊCH VIỆT NAM:
I.1 Điều kiện để nhập quốc tịch Việt Nam
Khoản 1,Điều 19 Luật Quốc tịch 2008 và sửa đổi bổ sung bởi điều 7 nghị định 16/2020/NĐ – CP quy định điều kiện được nhập quốc tích Việt Nam bao gồm:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.
- Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập.
- Người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải là người đang thường trú tại Việt Nam và đã được cơ quan Công An có thẩm quyền của Việt Nam cấp Thẻ thường trú. Thời gian thường trú tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được tính từ ngày người đó được cấp thẻ thường trú phải ít nhất là thường 05 năm liên tục trên lãnh thổ Việt Nam.
- Khả năng đảm bảo cuộc sống tại Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu rơi vào một trong các trường hợp sau thì không cần phải đáp ứng về điều kiện trên để nhập quốc tịch Việt Nam:
- Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt nam;
- Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
- Có lợi cho nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
I.2 Trình tự, thủ tục thực hiện
Để làm thủ tục nhập tịch vào quốc tịch Việt Nam cần phải chuẩn bị những giấy tờ sau để làm hồ sơ gồm:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật quốc tịch 2008 và Điều 10 Nghị định 16/2020/NĐ-CP, thành phần hồ sơ gồm:
- Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam;
- Giấy tờ khác có giá trị thay thế Giấy khai sinh, Hộ chiếu;
- Bản khai lý lịch;
- Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam, Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ;
- Giấy tờ chứng minh trình độ tiếng Việt của người xin nhập quốc tịch Việt Nam là bản sao văn bằng, chứng chỉ để chứng minh người đó đã học bằng tiếng Việt tại Việt Nam;
- Bản sao Thẻ thường trú: Một người xin nhập quốc tịch Việt Nam, phải có thời gian sinh sống làm việc trên lãnh thổ nước Việt Nam từ 05 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch;
- Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam: giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản; giấy xác nhận mức lương hoặc thu nhập do cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc cấp; giấy xác nhận của cơ quan thuế về thu nhập chịu thuế; giấy tờ chứng minh được sự bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.
- Số lượng hồ sơ: 03 bộ
- Nộp hồ sơ.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 21 Luật quốc tịch 2008, Người xin nhập quốc tịch Việt Nam nộp hồ sơ cho Sở Tư pháp nơi cư trú:
- Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thì Sở Tư pháp tiếp nhận và cấp cho người nộp hồ sơ Phiếu tiếp nhận hồ sơ.
- Trường hợp hồ sơ không có đầy đủ các giấy tờ hoặc không hợp lệ thì Sở Tư pháp thông báo ngay để người xin nhập quốc tịch Việt Nam bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.
Trình tự thực hiện
- Thời hạn: 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của người xin nhập quốc tịch, Sở Tư pháp gửi văn bản đề nghị cơ quan Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); xác minh về nhân thân của người xin nhập quốc tịch Việt Nam.
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh, Sở Tư pháp có trách nhiệm hoàn tất hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, kết luận và đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp: trong thời hạn 10 ngày.
- Bộ Tư pháp kiểm tra lại hồ sơ của người xin nhập quốc tịch Việt Nam, nếu xét thấy họ có đủ điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định trong thời hạn 20 ngày.
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xem xét, quyết định việc đồng ý hay từ chối việc xin nhập quốc tịch Việt Nam cho người có yêu cầu.
II. KẾT HÔN VỚI NGƯỜI VIỆT NAM
Đối với vấn đề kết hôn thì sau khi nhập quốc tịch Việt Nam thì trình tự, thủ tục kết hôn sẽ như đối với người Việt Nam được quy định tại Luật hộ tịch năm 2014 và các văn bản hướng dẫn Luật hộ tịch năm 2014. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn là Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của vợ hoặc của chồng.
Trên đây là ý kiến tư vấn của Co-op Law về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.
Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.
Bạn cần Co-op Law tư vấn, hỗ trợ thực hiện các vấn đề pháp lý liên quan đến hôn nhân gia đình, hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài một cách nhanh chóng, vui lòng liên hệ Hotline: 0968.90.96.95 - 0978.90.96.95 để được tư vấn, hỗ trợ miễn phí.
.