Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp.

Thời gian qua, một số địa phương xảy ra tình trạng người dân bắt trộm (chủ yếu là trộm chó), sau đó trói lại, đánh đập, đốt xe dẫn đến tên trộm thương tích nghiêm trọng hoặc thiệt hại đến tính mạng, tài sản. Rất nhiều vụ việc người dân bắt trộm từ đúng thành sai. Ngoài việc xử lý đối tượng phạm tội về hành vi trộm cấp tài sản thì cơ quan chức năng đã khởi tố, xử lý đối với người đánh trộm về tội “Giết người”, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng.

Nếu trường hợp họ bắt giữ được đối tượng phạm tội rồi giao nộp ngay cho cơ quan chức năng thì hành vi của họ là hợp pháp và pháp luật ghi nhận. Trường hợp sử dụng vũ lực trong tình huống đối tượng phạm tội quả tang không còn chống trả nữa là pháp luật không cho phép, kể cả việc đập phá tài sản của đối tượng phạm tội cũng là hạnh vi phạm pháp luật. Về nguyên tắc thì người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã thì bất cứ ai cũng có quyền bắt giữ, pháp luật còn khuyến khích công dân bắt giữ tội phạm quả tang, bắt người đang bị truy nã nhưng phải đảm bảo an toàn cho bản thân và cho đối tượng phạm tội.

Pháp luật không cho phép công dân sử dụng một hành vi vi phạm pháp luật để đáp trả lại một hành vi vi phạm pháp luật. Việc xử lý tội phạm, áp dụng các chế tài hành chính hoặc hình sự là trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan chức năng. Nghiêm cấm hành vi người dân “tự xử”, tự mình kết luận sự việc và gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác dù người đó là người vi phạm pháp luật. Hành vi trộm cắp tài sản, thậm chí cướp tài sản là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng không vì thế mà người dân (nạn nhân) có quyền gây thương tích hoặc sát hại đối tượng gây án một cách trái pháp luật. Nói cách khác, pháp luật không cho phép người dân được tự xử, việc xử lý đối tượng vi phạm pháp luật phải do cơ quan có thẩm quyền và theo trình tự thủ tục luật định. Việc phòng vệ được coi là chính đáng nếu như tình huống đó đối tượng đang gây nguy hiểm cho người khác vào việc chống trả ở mức độ cần thiết.

Thực tế những năm gần đây nhiều trường hợp bắt giữ đối tượng phạm tội quả tang đã gây thương tích, gây thiệt hại cho đối tượng phạm tội, nhiều người cũng đã bị xử lý trước pháp luật, có những tình huống gây tranh cãi. Do đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung thêm một số trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự trong đó có trường hợp gây thiệt hại khi bắt giữ phạm tội.

Với quy định mới của Bộ luật Hình sự hiện nay thì trong quá trình bắt giữ đối tượng phạm tội quả tang thì người bắt giữ cũng có thể gây ra thương tích, thiệt hại cho đối tượng mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên việc gây ra thương tích, gây thiệt hại này phải là tình huống không còn cách nào khác. Cụ thể Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định như sau:

Điều 24. Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội

1. Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.

2. Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự.

Đây là một trong những tình huống được loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Xử lý tình huống khi trộm đột nhập không ai giống ai, không tình huống nào giống tình huống nào. Nhưng nguyên tắc cơ bản là phải đảm bảo an toàn cho bản thân, cho những người khác và được phép tấn công để bắt giữ, triệt tiêu vũ lực của đối tượng. Khi đối tượng không còn nguy hiểm nữa thì không được phép gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của đối tượng đó. Việc bắt giữ phải đảm bảo an toàn, nhanh chóng và giao nộp cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định pháp luật.

Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG

Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp