co-op_law_1

🏠 Trụ sở chính: Lầu 14, Tòa nhà HM Town, Số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 5, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Hướng giải quyết khi bị người khác đăng các thông tin cá nhân lên mạng nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm


 

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều cá nhân sử dụng các thông tin cá nhân của người khác đăng lên mạng xã hội nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Đặc biệt những thông tin này rất thu hút nhiều sự qua tâm của cộng đồng mạng. Vậy hướng giải quyết vấn đề này như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp tìm ra hướng giải quyết cho vấn đề này.

I. Cơ sở pháp lý

    - Bộ luật dân sự 2015

    -  Bộ luật hình sự 2015

    - Luật An ninh mạng 2018

   - Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 về quản lý, cung cấp,  sử dụng dich vụ Internet và thông tin trên mạng;

   - Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử;   

  -Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 28/02/2014 hướng dẫn thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại theo nghị quyết Số: 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hộ.

12121212121212

 

II. Quyền được bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm của công dân trước pháp luật

      Quyền được bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm của công dân trước pháp luật là quyền bất khả xâm phạm. Điều 12 Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền năm 1948 quy định: “ Không ai có thể bị xâm phạm một cách độc đoán vào đời tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hay bị xúc phạm đến danh dự hay thanh danh. Ai cũng có quyền được luật pháp bảo vệ chống lại những xâm phạm ấy”. Tại Việt Nam, Hiến Pháp năm 1980 cũng đã ghi nhận về quyền được bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm của công dân trước pháp luật là quyền bất khả xâm phạm. Đồng thời Hiến pháp 1992 và Hiếp pháp 2013 cũng tiếp tục kế thừa, duy trì quyền của công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, tài sản, danh dự và nhân phẩm. Cụ thể tại Điều 20, Điều 21 Hiến pháp 2013 đã quy định về quyền được bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm của công dân trước pháp luật khi bị người khác xâm phạm.

       Trong thực tế ngày nay thì hành vi đăng các thông tin cá nhân lên mạng nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác là hiện tượng không hiếm gặp trong xã hội ngày nay.

        Mạng xã hội có tính chất mở, nơi các thông tin được truyền tải rộng rãi, phát tán nhanh chóng, tiếp cận đến nhiều người, nhiều đối tượng khác nhau trên một phạm vi rộng lớn nên hành vi đăng các thông tin cá nhân lên mạng nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác là một hành vi có tính chất nguy hiểm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của người dân.

       Nhận thấy tính cấp bách của sự nguy hiểm từ những hành vi này gây ra, pháp luật nước ta đã ban hành các điều luật nhằm nghiêm cấm các hành vi đưa thông tin người khác lên mạng xã hội nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Đặc biệt là quyền được bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm là quyền nhân thân cơ bản mỗi con người, đây là quyền được pháp luật bảo vệ tuyệt đối.

       Căn cứ quy định tại Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 thì quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín được quy định cụ thể như sau:

  • Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
  • Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.
  • Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
  • Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.
  • Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.
  • Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 32 Bộ luật dân sự 2015 thì cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình như sau:

  • Việc sử dụng hình ảnh cá nhân phải được người đó đồng ý trừ một số trường hợp vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng hoặc từ các hoạt động công cộng mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh
  • Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

      Ngoài ra, căn cứ điểm d và điểm e khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 về quản lý, cung cấp,  sử dụng dich vụ Internet và thông tin trên mạng có quy định các hành vi bị cấm về việc lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích như sau:

  • Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.
  • Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
  • Hướng xử lý người có hành vi bôi nhọ, nói xấu, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác
  1. Bị xử phạt hành chính

     Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 và điểm e, điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử , vi phạm các hành vi sau đây có thể bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng được quy định cụ thể như sau:

  • Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật.
  • Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

     Ngoài ra, tại điểm a Khoản 3 Điều 99 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử  quy định về mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi “Đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”.

     Trường hợp có hành vi quy định tại điểm m khoản 3 Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử   Tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự” thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Hoặc theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định cá nhân có thể bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

      Bên cạnh đó, tại khoản 3 Điều 16 Luật An ninh mạng 2018 cũng đã xác định cụ thể những thông tin trên không gian mạng bị xem là có nội dung làm nhục, vu khống, là những hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử lý theo quy định của pháp luật.

        Việc xử phạt hành chính giúp cho các hành vi sử dụng thông tin cá nhân của người khác nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm mà chưa thuộc trường hợp bị truy tố trách nhiệm hình sự sẽ loại trừ khả năng chịu trách nhiệm hình sự cho người có hành vi vi phạm. Bên cạnh việc xử phạt hành chính cũng không loại trừ trách nhiệm dân sự về bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại. Đây cũng có thể xem là một quy định mang tính chất nhân đạo của pháp luật nước ta.

  1. Bị truy tố trách nhiệm hình sự

       Đối với các hành vi dùng thông tin người khác đăng trên mạng xã hội nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm ở mức độ nguy hiểm, đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự.

      Người có hành vi vi phạm có thể bị truy tố về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 hoặc Tội vu khống theo Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015. Mức án cao nhất đến 05 năm tù nếu bị truy tố về tội làm nhục người khác và cao nhất 07 năm tù nếu bị truy tố về tội vu khống.

        Cụ thể, nếu một cá nhân có hành vi công khai đăng các thông tin cá nhân của người khác nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người đó thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015. Trong trường hợp cá nhân cố tình tự đặt ra các thông tin không đúng, bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhưng vẫn cố tình đăng thông tin đó lên mạng để nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống theo Điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015.

        Cũng như trường hợp chịu trách nhiệm hành chính thì người bị truy tố trách nhiệm hình sự cũng không loại trừ về trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại.

  1. Chịu trách nhiệm dân sự

    Ngoài việc chịu trách nhiệm hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự thì người vi phạm phải chịu trách nhiệm dân sự như phải cải chính thông tin sai lệch, công khai xin lỗi, bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại.

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 592 Bộ luật dân sự 2015 thì thiệt hại do danh dự,  nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

  • Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.
  • Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
  • Thiệt hại khác do luật quy định.

     Theo quy định tại Khoản 2 Điều 592 Bộ luật dân sự 2015 thì bên cạnh việc phải chịu bồi thường các khoản trên thì người chịu trách nhiệm bồi thường phải bồi thường thêm một khoản tiền khác để đền bù những tổn thất về tinh thần mà người bị thiệt hại phải gánh chịu. Mức bồi thường về tinh thần sẽ do các bên thỏa thuận; trường hợp không thỏa thuận được thì mức mức tối đa mà một người bị thiệt hại nhận bồi thường sẽ không quá mười lần mức lương cơ sơ do nhà nước quy định.

III. Những công việc cần phải thực hiện ngay khi bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm

      Dù có cơ chế pháp lý rõ ràng, chi tiết nhưng trên thực tế việc xử phạt các cá nhân có hành vi xâm phạm này vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Một mặt do tính chất mở, phức tạp của mạng xã hội, mặt khác do người bị hại không có những hành vi cần thiết lúc phát hiện ra hành vi xâm phạm. Dẫn đến tình trạng mọi chứng cứ đều nhanh chóng bị người vi phạm xóa bỏ nên việc xử phạt hành vi này trở nên khó khăn, phức tạp do không còn cơ sở pháp lý nào để chứng minh.

      Như vậy, trường hợp người bị xâm phạm khi bị người khác dùng thông tin cá nhân đăng lên mạng nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm thì người bị xâm phạm cần nhanh chóng thực hiện theo những công việc dưới đây để có thể bảo vệ tốt nhất các quyền của mình như sau:

  1. Yêu cầu chấm dứt hành vi xâm hại

     Trong trường hợp xác định cụ thể được người phát tán hành vi đăng thông tin  cá nhân lên mạng nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thì cần yêu cầu người xâm hại phải gỡ bỏ tin ngay, chấm dứt ngay hành vi xâm hại  trên. Vì nếu để thông tin bị lan truyền trên mạng càng lâu thì sẽ dẫn đến tình trạng lan truyền rộng, mở rộng phạm vi nhiều người tiếp cận rộng hơn, ngày càng khó thu hồi tin tức hơn.

     Trong trường hợp không xác định cụ thể được người phát tán hành vi đăng thông tin  cá nhân lên mạng nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm hoặc đã xác định được người phát tán nhưng họ không chấm dứt hành vi xâm phạm sau khi bên bị xâm phạm đã yêu cầu gỡ bỏ thông tin hoặc các hành vi xâm phạm đó đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho người bị xâm hại thì trong các trường hợp này cần tiếp tục xem xét để áp dụng các biện pháp giải quyết tiếp theo như thu thập chứng cứ, chứng minh hành vi xâm hại hay gửi đơn tố cáo, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý để bảo vệ quyền lợi danh dự, nhân phẩm một cách tuyệt đối trước hành vi xâm hại xấu đã và đang diễn ra.

  1. Thu thập chứng cứ, chứng minh hành vi xâm hại

      Thu thập chứng cứ, chứng minh đầy đủ là một bước vô cùng quan trọng. Bởi, đã có nhiều vụ án khi biết người bị thiệt hại tố giác các hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm bằng thông tin của mình lên mạng thì người gây thiệt hại đã gỡ bỏ bài nhưng thời điểm đó thì người bị thiệt hại không thu thập được các chứng cứ, chứng minh đó dẫn đến không có cơ sở pháp lý để xử lý.

     Do đó, khi xác định có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, cá nhân cho rằng mình bị xúc phạm cần thu thập chứng cứ, lưu giữ hình ảnh, tài liệu, nhờ người làm chứng về việc mình bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thậm chí có thể đề nghị thừa phát lại lập vi bằng về việc mình bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm và trình báo cho các cơ quan có thẩm quyền như công an, cán bộ phường/xã, cán bộ cơ quan quản lý về thông tin truyền thông.

    Theo Điều 7 Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 28/02/2014 hướng dẫn thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại theo nghị quyết Số: 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về giá trị pháp lý của vi bằng thì: “Vi bằng do Thừa phát lại lập là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án và là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp theo quy định của pháp luật.Trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu xét thấy cần thiết, Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân có thể triệu tập Thừa phát lại để làm rõ tính xác thực của vi bằng.” Tóm lại, vi bằng được lập tại cơ quan Thừa phát lại có giá trị chứng cứ cao nhất. Một điểm cần lưu ý là việc lập vi bằng cần phải lập ngay sau khi phát hiện có hành vi xâm hại vì nếu để lâu thì có thể chứng cứ sẽ bị hủy, bị gỡ bỏ, xóa đi dấu vết.

  1. Gửi đơn tố cáo, yêu cầu xử lý đến cơ quan có thẩm quyền

     Trong trường hợp thiệt hại xảy ra ở mức độ xử phạt hành chính thì sau khi thu thập chứng cứ đầy đủ, thì người bị thiệt hại gửi đơn tố cáo đến cơ quan điều tra về Thông tin truyền thông tại địa phương để yêu cầu xử lý về xử phạt hành chính đối với người gây ra hành vi thiệt hại. Trong trường hợp này, người bị thiệt hại có quyền sử dụng Quyết định xử phạt hành chính để khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu được bồi thường những thiệt hại phải chịu hoặc tổn thất về mặt vật chất và tinh thần.

       Còn hành vi của người gây thiệt hại ở mức độ nghiêm trọng thì người bị thiệt hại phải gửi đơn yêu cầu đến cơ quan điều tra công an địa phương để xử lý và yêu cầu xử phạt theo trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp người gây thiệt hại bị xử lý trách nhiệm hình sự thì người bị thiệt hại có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại ngay tại phiên tòa hình sự.

      Đối với trường hợp người bị xử phạt không đồng ý với quyết định xử phạt thì cũng có thể gửi đơn khiếu nại đến người đã ban hành quyết định xử phạt hoặc gửi trực tiếp cho thủ trưởng của người đã ban hành. Người bị xử phạt cũng có thể nộp đơn khởi kiện đến Tòa án cấp huyện hoặc tỉnh theo thủ tục tố tụng hành chính để yêu cầu giải quyết khiếu nại trên.

IV. Kết luận

    Tóm lại, việc ban hành nhiều văn bản pháp luật tạo ra hướng giải quyết nhằm giúp cho người bị thiệt hại khi bị người khác đăng các thông tin cá nhân lên mạng xã hội nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm có nhiều lợi thế hơn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của mình khi bị xâm hại. Trên các cơ sở phân tích các quy định của pháp luật hiện nay, yêu cầu về hướng giải quyết về hành vi đưa thông tin cá nhân lên mạng nhằm mục đích xúc phạm nhân phẩm, danh dự đã đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn hiện nay. Từ đó,  tạo nên cơ chế bảo vệ đồng bộ, toàn diện và hiệu quả đối với quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân. Đồng thời, nhờ có các quy định của pháp luật được áp dụng đã giúp cho người dùng mạng xã hội có những hành vi ứng xử văn minh hơn, tránh xảy ra nhiều trường hợp xúc phạm danh dự, nhân phẩm gây ra những hậu quả nghiêm trọng, đáng tiếc hơn so với lúc chưa có quy định pháp luật cụ thể.

 

Bạn cần Co-op Law giải đáp chi tiết các thắc mắc liên quan tới hành vi xâm phạm tới danh dự, nhân phẩm của người khác, hãy liên hệ với chúng tôi Hotline: 0968.90.96.95 - 0978.90.96.95 hoặc gửi mail cho chúng tôi qua địa chỉ: Cooplaw.co@gmail.com để được tư vấn, hỗ trợ miễn phí.


 

 

In bài viết

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
29-03-2022

Đánh giá

Chào mừng Quý khách hàng đã ghé thăm  CO-OP LAW. Nếu Quý khách hàng có bất cứ vướng mắc về pháp luật hoặc cần sự hỗ trợ từ các luật sư/chuyên gia pháp lý của CO-OP LAW, vui lòng liên hệ ngay qua số Hotline:  0968.90.96.95 hoặc 0978.90.96.95 để được tư vấn miễn phí.
Đang truy cập: 8
Trong ngày: 60
Trong tuần: 340
Lượt truy cập: 138567

CÔNG TY LUẬT CO-OPERATIVE LAW

Là đơn vị chuyên Tư vấn và Hỗ trợ pháp luật toàn diện và chuyên nghiệp tại Việt Nam.

Với nhiều luật sư và chuyên gia trên nhiều lĩnh vực, chúng tôi tự hào có một đội ngũ có trình độ chuyên môn cao, uy tín khi đã giải quyết thành công các vụ/việc pháp lý trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: Hoạt động doanh nghiệp, M&A, Tài chính - Ngân hàng, Đất đai, Sở hữu trí tuệ, Lao động và Kế toán - thuế,...

 

 

ĐỊA CHỈ LIÊN HỆ:

 

- Tại Hồ Chí Minh: Lầu 14, Tòa nhà HM Town, Số 412 Đường Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 5, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Tại Tây Nguyên: Số 91 Đường Lê Thị Hồng Gấm, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Việt Nam

- Tại Hà Nội: Tầng 7, Tòa nhà Zen Tower, Số 12 Đường khuất Duy Tiến, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội, Việt Nam

 

 

 

Hotline: 0968.90.96.95 - 0978.90.96.95

Mail: Info@cooplaw.com.vn