ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
CÔNG TY LUẬT TNHH CO-OPERATIVE LAW
Bên cạnh các quy định của pháp luật doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn có liên quan thì Điều lệ trong doanh nghiệp cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều hành và quản lý của một doanh nghiệp. Vậy tầm quan trọng của điều lệ trong doanh nghiệp được thể hiện như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có câu trả lời cụ thể nhất.
Hiện nay, pháp luật không quy định cụ thể về điều lệ doanh nghiệp song có thể hiểu điều lệ doanh nghiệp là bản cam kết, ràng buộc của tất cả thành viên trong doanh nghiệp về mục đích thành lập doanh nghiệp, về việc điều hành và quản lý cho doanh nghiệp, được các thành viên trong doanh nghiệp thống nhất thông qua và được xác nhận bởi các cơ quan đăng ký kinh doanh. Được xây dựng thông qua sự thỏa thuận tự nguyện của các thành viên trên cơ sở không trái với quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 24 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì điều lệ doanh nghiệp được quy định như sau:
“ 1. Điều lệ công ty bao gồm Điều lệ khi đăng ký doanh nghiệp và Điều lệ được sửa đổi, bổ sung trong quá trình hoạt động.
Trong các hoạt động của doanh nghiệp đặc biệt là có các tranh chấp phát sinh thì điều lệ doanh nghiệp sẽ được ưu tiên áp dụng trước nếu những quy định của điều lệ không trái với các quy định của pháp luật. Tầm quan trọng của điều lệ trong doanh nghiệp được thể hiện cụ thể thông qua các ý sau đây:
Điều lệ doanh nghiệp là những vấn đề quan trọng được xem như là một “Bản Hiến pháp riêng” là một trong những văn bản ưu tiên nhất của doanh nghiệp trong vấn đề xây dựng liên quan đến việc tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp. Vậy tại sao nói điều lệ là “Bản Hiến pháp riêng” của doanh nghiệp? Khi đọc Luật doanh nghiệp rất dễ nhận thấy các cụm từ như “Trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định khác”, “trường hợp điều lệ công ty không quy định thì…” hay “do điều lệ công ty quy định”. Qua đó đã thấy rõ vai trò vô cùng quan trọng của điều lệ trong các doanh nghiệp. Trong số đó nổi bật nhất là hai vấn đề sau:
Thứ nhất, về quyền tổ chức cơ cấu trong doanh nghiệp và cách quản lý sử dụng các quyền lực đó trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như về quyền và nghĩa vụ của các thành viên; cơ cấu quản lý; người đại diện theo pháp luật đối với loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần, thể thức thông qua các quyết định của công ty.
Hay điều lệ doanh nghiệp thường quy định những vấn đề cốt lõi, quan trọng như về các vấn đề cơ cấu tổ chức, thể thức thông qua quyết định, nguyên tắc phân chia lợi nhuận, nghị quyết của công ty, giải quyết tranh chấp nội bộ…
Thứ hai, về quyền và nghĩa vụ của các thành viên góp vốn, các cổ đông hoặc những người chủ của công ty còn kèm theo những nguyên tắc thực hiên, giải quyết các tranh chấp nội bộ phát sinh…
Điều lệ doanh nghiệp được căn cứ thành lập dựa trên sự thống nhất ý kiến của các đồng sở hữu (hội đồng cổ đông hoặc hội đồng thành viên) do đó có giá trị áp dụng cao, xuyên suốt trong tất cả các hoạt động của doanh nghiệp.
Trên thực tế, hầu hết trong các hoạt động của doanh nghiệp kể cả các tranh chấp phát sinh trong nội bộ thì điều lệ doanh nghiệp là những quy định luôn được ưu tiên áp dụng để giải quyết, nếu nội dung của các quy định điều lệ đó không trái với quy định của pháp luật. Đó là căn cứ pháp lý quan trọng nhất và được viện dẫn đầu tiên để các cơ quan có liên quan đến việc giải quyết các tranh chấp, đồng thời đó cũng là sự thừa nhận của pháp luật với “bản hiến pháp riêng” này của mỗi doanh nghiệp.
Như vậy, điều lệ doanh nghiệp chính là căn cứ để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, từ đó giúp cho việc quản lý các hoạt động của doanh nghiệp được ổn định hơn, phát triển hơn.
Có thể nói nếu xây dựng được một điều lệ doanh nghiệp ổn định thì có thể được xem là một nghệ thuật của kinh doanh, nó được xem như là một dự án để kêu gọi các nhà đầu tư cùng góp vốn hợp tác.
Điều lệ công ty sẽ quy định về cơ cấu tổ chức, quản lý của doanh nghiệp. Từ đó, giúp cho doanh nghiệp có được hệ thống tổ chức chặt chẽ, có sự phân chia quyền lực rõ ràng làm cho các hoạt động của doanh nghiệp được thuận lợi hơn và mang lại hiệu quả cao hơn.
Những nội dung quy định trong điều lệ của doanh nghiệp sẽ giúp tạo ra các cơ chế vận hành, quản lý doanh nghiệp ổn định và thuận lợi. Bên cạnh đó, các thành viên của doanh nghiệp theo các quy định của nội dung của điều lệ doanh nghiệp mà phải tuân thủ, chấp hành nghiêm chỉnh những quy định. Từ đó, thúc đẩy các hoạt động trong cơ chế của doanh nghiệp được ổn định và ngày càng phát triển.
Như những phân tích tại các phần trên, nếu muốn doanh nghiệp phát triển thì cần xây dựng điều lệ doanh nghiệp phải phù hợp. Mỗi doanh nghiệp sẽ có những đặc trưng riêng, có tư duy và nghệ thuật kinh doanh riêng nên cần dựa vào tình hình thực tế mà xây dựng điều lệ riêng cho phù hợp với cơ cấu tổ chức quản lý, tình hình thực tiễn của doanh nghiệp, không nên sao chép điều lệ mẫu vì nó không phù hợp với đặc tính của doanh nghiệp mình.
Hậu quả của việc này là khi công ty đi vào hoạt động, hàng loạt các doanh nghiệp xảy ra phát sinh tranh chấp nhưng điều lệ lại không có quy định hoặc quy định không đúng thực tế tại doanh nghiệp. Những sửa đổi, bổ sung sau đó khiến các công ty không chỉ mất thời gian mà còn tiền bạc. Lợi bất cập hại của việc thành lập doanh nghiệp với cách dùng chung điều lệ mẫu này đã khiến nhiều doanh nghiệp phải gánh chịu. (1) Điều này thường xảy ra khi nhiều tổ chức/cá nhân đi tìm đơn vị cung ứng dịch vụ đăng ký doanh nghiệp với chi phí chỉ: 1,000,000 đông (Bằng chữ: Một triệu đồng) khá là “rẻ” để tiết kiệm chi phí, họ sẵn sàng chấp nhận lựa chọn một bản điều lệ “mẫu” được sử dụng cho tất các doanh nghiệp không có các tổ chức/cá nhân hay không có dịch vụ tư vấn chuyên luật cung cấp trong gói thành lập doanh nghiệp giá rẻ. (2)
Tuy nhiên, điều lệ trong doanh nghiệp đang bị xem nhẹ, thậm chí có doanh nghiệp còn bỏ qua hoặc xây dựng điều lệ trái với quy định của pháp luật. Mặc dù, điều lệ doanh nghiệp có tầm quan trọng nhưng dường như nội dung các quy định của điều lệ trong doanh nghiệp vẫn không được nhiều doanh nghiệp quan tâm đến và ngày càng xem nhẹ đi vấn đề này. Tính đến năm 2019, theo thống kê từ Văn phòng chính phủ thì tại Công văn 2739/VPCP-ĐMDN về việc quy định về quản trị doanh nghiệp tại Luật Doanh nghiệp chưa được thực thi, đã có đến 90% doanh nghiệp sử dụng điều lệ mẫu trong Luật Doanh nghiệp. Đa phần chỉ đều sao chép giống như điều luật mẫu mà không suy nghĩ xem điều lệ mẫu đó có phù hợp với cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp hay không. Chính từ sự làm theo mẫu một cách “vô tội vạ” đấy đã làm cho các bản điều lệ hầu như đều giống nhau, chứng tỏ các thành viên sáng lập không ngồi lại với nhau để thỏa thuận, bàn bạc các vấn đề cho phù hợp trong việc xây dựng điều lệ cho doanh nghiệp mình dựa trên chính đặc điểm cơ cấu của doanh nghiệp trên thực tế. Do Điều lệ không đúng với thực tiễn hoạt động và cơ cấu của doanh nghiệp nên khi có tranh chấp xảy ra, đa phần các doanh nghiệp sẽ rất khó có căn cứ chính xác để giải quyết, bởi không phải ai cũng biết điều lệ là công cụ để tự bảo vệ mình khi có tranh chấp xảy ra. Từ đó, dẫn đến các hoạt động trong doanh nghiệp bị trì trệ, thiếu tính thuận lợi và linh hoạt để phát triển ổn định. Vì ngay từ ban đầu điều lệ đó đã không phù hợp với cơ cấu của doanh nghiệp nên dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Vì vậy, các doanh nghiệp cần rà soát lại các điều lệ của doanh nghiệp để có thể điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với thực tế của doanh nghiệp, đảm bảo cho các hoạt động của doanh nghiệp có thể phát triển hết vai trò thông qua việc xây dựng một điều lệ ổn định, khoa học.
Bên cạnh đó, điều lệ doanh nghiệp cần phải đảm bảo đủ các nội dung theo quy định của pháp luật. Tất nhiên, pháp luật cho phép các doanh nghiệp có quyền tự quyết trong điều lệ doanh nghiệp của chính doanh nghiệp mình tuy nhiên các quy định trong điều lệ doanh nghiệp cũng không được trái với các quy định của pháp luật, nó giống như “sự tự do trong khuôn khổ”.
Việc xây dựng điều lệ cho doanh nghiệp có thể dễ dàng, đơn giản đối với những người hiểu biết nhưng lại phức tạp đối với những người không am hiểu cũng như có kiến thức về Luật doanh nghiệp. Đặc biệt, Điều lệ trong doanh nghiệp lại đóng vai trò quan trọng giúp cho sự phát triển hưng thịnh của doanh nghiệp nên cần phải xây dựng một điều lệ phù hợp mà không trái với quy định của pháp luật.
Thứ nhất, về mối quan hệ thì có thể nói quan hệ giữa Điều lệ doanh nghiệp và Luật Doanh nghiệp là quan hệ giữa cái tổng quát với cái chi tiết. Cả hai đều tồn tại song song, không loại trừ nhau và đảm bảo cho các hoạt động của doanh nghiệp được diễn ra ổn định. Nếu Luật Doanh nghiệp quy định những nguyên tắc chung nhất mang tính bắt buộc chung thì Điều lệ doanh nghiệp không được vi phạm những giới hạn mà luật không cho phép. Và ngược lại, nếu Điều lệ doanh nghiệp thể hiện những cơ cấu về hệ thống quản lý, hoạt động của doanh nghiệp thì luật không được can thiệp vào nếu quy định đó không thuộc trường hợp quy định trong phạm vi của luật đã đề ra.
Thứ hai, về mặt giá trị pháp lý thì đối với những vấn đề mang tính chất tổ chức, quản lý hoạt động đã được quy định trong luật và đồng thời không quy định về quyền tự chủ của doanh nghiệp thì trong Điều lệ của doanh nghiệp không được phép vi phạm. Nếu trường hợp giữa Điều lệ doanh nghiệp và Luật doanh nghiệp có mâu thuẫn với nhau và ngược lại thì đối với những vấn đề mà Luật đã cho phép tự quyết định thì Điều lệ doanh nghiệp đó vẫn được xem là có giá trị áp dụng cao hơn luật.
Tóm lại, trong một số trường hợp nhất định Điều lệ doanh nghiệp có giá trị cao hơn các quy định pháp luật và sẽ được ưu tiên áp dụng nếu quy định đó không trái luật. Vì vậy, việc xây dựng một bản điều lệ phù hợp với thực tiễn của doanh nghiệp và không trái luật sẽ giúp cho việc quản lý cơ cấu cũng như quá trình hoạt động của doanh nghiệp diễn ra theo hướng mong muốn, phát triển ổn định.
(1) Quản trị Công ty do Hoàng Văn Hải và Đinh Văn Toàn (Đồng chủ biên) của Nhà xuất bản đại học quốc gia Hà Nội – xuất bản năm 2020 – Trang 99.
(2) Quản trị Công ty do Hoàng Văn Hải và Đinh Văn Toàn (Đồng chủ biên) của Nhà xuất bản đại học quốc gia Hà Nội – xuất bản năm 2020 – Trang 99.
Bạn cần Co-op Law tư vấn, hỗ trợ thực hiện các thủ tục thành lập doanh nghiệp nhanh chóng, hãy liên hệ Hotline: 0968.90.96.95 - 0978.90.96.95 hoặc gửi mail cho chúng tôi qua địa chỉ: Cooplaw.co@gmail.com để được tư vấn, hỗ trợ miễn phí.
Người gửi / điện thoại
Đánh giá
CÔNG TY LUẬT TNHH CO-OPERATIVE LAW
Giấy Đăng ký hoạt động số: 41.02.4686/TP/ĐKHĐ
Nơi cấp: Sở tư pháp Tp.Hồ Chí Minh
Mã số thuế: 0318820491
ĐỊA CHỈ LIÊN HỆ:
- Trụ sở chính: 127 Hoàng Văn Thụ, P.8, Q.Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh, Việt Nam
- Chi nhánh tại Tây Nguyên: 91 Lê Thị Hồng Gấm, P.Tân Lợi, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Việt Nam
- Vp Hà Nội: Tầng 7, Tòa nhà Zen Tower, 2 khuất Duy Tiến, P.Thanh Xuân Trung, Q. Thanh Xuân, TP.Hà Nội, Việt Nam
Hotline: 0968.90.96.95 - 0345.68.96.95
Mail: Info@cooplaw.com.vn
Số zalo: 0978.90.96.95