Pháp luật quy định: Mọi thỏa thuận của cha, mẹ, con liên quan đến quan hệ nhân thân, tài sản không được làm ảnh hưởng đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, cha, mẹ mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
(Theo khoản 4, Điều 68 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014)
Quy định này của pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con chung dưới 18 tuổi trước những thỏa thuận của cha, mẹ. Đây là vấn đề hết sức cần thiết bởi lẽ các em còn non trẻ, dễ bị tổn thương nhất trong các vụ/việc ly hôn và đặc biệt các em cần được pháp luật bảo vệ để có thể tránh khỏi những ảnh hưởng không tốt đến tâm hồn và tinh thần sau ly hôn.
Vì thế, việc thỏa thuận vấn đề con chung dưới 18 tuổi cũng được cũng được pháp luật quy định rõ ràng theo các trường hợp sau:
Thứ nhất, trường hợp con chung từ đủ 7 tuổi
Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con, trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. (Theo khoản 2, Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).
Thứ hai, con dưới 36 tháng tuổi
Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con. (Theo Khoản 3, Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014)
Do đó, pháp luật cho phép việc vợ chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ và quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con có thể là cha, mẹ,ông bà, cô, dì, chú, bác hoặc người giám hộ hợp pháp của cháu,... Nhưng nếu như không thỏa thuận được và có yêu cầu thì lúc này Tòa án sẽ giải quyết. Việc con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng. Điều này là hoàn toàn hợp lý, vì đứa trẻ dưới 36 tháng tuổi còn quá nhỏ cần được người mẹ nuôi dưỡng sẽ tốt hơn người cha. Tuy nhiên, trong trường hợp điều kiện người mẹ không đáp ứng về điều kinh tế, không đủ khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng con, môi trường sống không đảm bảo cho sự lớn lên bình thường của đứa trẻ, ,... thì Tòa án sẽ xem xét và giao đứa trẻ đó cho người có khả năng nuôi dưỡng bé tốt hơn người mẹ.
Về mặt pháp luật quy định là như vậy; tuy nhiên trên thực tế có rất nhiều trường hợp vợ chồng đã tự thỏa thuận xong về quyền nuôi con và không yêu cầu Tòa án giải quyết, nhưng một số Tòa án ở một số địa phương vẫn yêu cầu ghi rõ trong đơn khởi kiện về vấn đề thỏa thuận con chung là để bảo đảm cho quyền và lợi ích hợp pháp cho con chưa thành niên theo quy định tại Khoản 4, Điều 68 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Điều này dẫn đến việc vô hình chung, các con sẽ bị cuốn vào việc giải quyết ly hôn của cha, mẹ và có thể ảnh hưởng về mặt tâm sinh lý của đứa trẻ nếu biết việc cha, mẹ nó đã ly hôn trong khi đứa trẻ vẫn chưa sẵn sàng về mặt tâm lý, làm ảnh hưởng tới việc giải quyết ly hôn.
Một thực tế đang diễn ra trong cuộc sống là mặc dù cha, mẹ đã ly hôn, nhưng vì để không ảnh hưởng tới cuộc sống thường ngày của con bằng việc cả cha và mẹ đều vun vén cho con những gì tốt đẹp nhất, để con cảm thấy có được sự yêu thương của cả cha và mẹ thì Tòa án lại buộc cả cha và mẹ phải "lôi" đứa trẻ ra để quyết định ai mới là người trực tiếp nuôi con, nhằm mục đích là không làm ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của con chưa thành niên, nhưng lại có vẻ lại thiếu sự "nhân văn" trong các mối quan hệ gia đình giữa cha với con, mẹ với con. Pháp luật có thể can thiệp vào vấn đề giải quyết khi ly hôn nếu nó không bảo đảm được quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em, nhưng không phải là tự "quyết định thay cho quyết định" của họ.
Chính vì vậy, theo quan điểm của Tác giả, việc một số Tòa án buộc vợ, chồng phải ghi rõ vấn đề thỏa thuận con chung trong đơn khởi kiện như trên là đang can thiệp quá sâu vào quyền tự quyết định và tự định đoạt của đương sự được quy định tại Khoản 1, Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015:
“Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó".
Lại thêm, Khoản 2, Điều 81 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 có quy định:
“Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con”
Như vậy, chỉ khi vợ, chồng không thể thỏa thuận với nhau về vấn đề con chung và có yêu cầu Tòa án giải quyết thì Tòa án mới có cơ sở để giải quyết theo quy định pháp luật. Việc Tòa án ở một số địa phương trong vấn đề thỏa thuận con chung dưới 18 tuổi vẫn buộc vợ, chồng phải ghi rõ trong đơn khởi kiện của mình về các thỏa thuận liên quan tới con chung chưa thành niên là không đúng về mặt pháp luật, lẫn cái tình trong đó.
Thế nhưng, hiện tại cũng chưa có hướng dẫn rõ ràng vấn đề thỏa thuận về con chung chưa thành niên như thế nào mới được xem là không ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên. Do đó, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao nên có những hướng dẫn rõ hơn tới vấn đề này để nâng cao hơn nữa vai trò tự định đoạt của đương sự khi giải quyết ly hôn tại Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Người gửi / điện thoại
Đánh giá
CÔNG TY LUẬT CO-OPERATIVE LAW
Là đơn vị chuyên Tư vấn và Hỗ trợ pháp luật toàn diện và chuyên nghiệp tại Việt Nam.
Với nhiều luật sư và chuyên gia trên nhiều lĩnh vực, chúng tôi tự hào có một đội ngũ có trình độ chuyên môn cao, uy tín khi đã giải quyết thành công các vụ/việc pháp lý trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: Hoạt động doanh nghiệp, M&A, Tài chính - Ngân hàng, Đất đai, Sở hữu trí tuệ, Lao động và Kế toán - thuế,...
ĐỊA CHỈ LIÊN HỆ:
- Tại Hồ Chí Minh: Lầu 14, Tòa nhà HM Town, Số 412 Đường Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 5, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
- Tại Tây Nguyên: Số 91 Đường Lê Thị Hồng Gấm, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Việt Nam
- Tại Hà Nội: Tầng 7, Tòa nhà Zen Tower, Số 12 Đường khuất Duy Tiến, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
Hotline: 0968.90.96.95 - 0978.90.96.95
Mail: Info@cooplaw.com.vn