So với các đạo luật: Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959, 1986 và 2000 thì Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đã có sự thay đổi tích cực, đặc biệt là sự thay đổi trong chế định tài sản vợ chồng. Bên cạnh chế độ tài sản theo luật định thì các nhà làm luật nhằm đáp ứng nhu cầu của một số cặp vợ chồng muốn thực hiện một chế độ hôn sản phù hợp với tình trạng kinh tế của họ, đặc biệt là đảm bảo quyền tự định đoạt của người có tài sản được quy định trong Hiến Pháp 2013 và Bộ luật Dân sự 2015 thì đã ghi nhận thêm chế độ tài sản theo thỏa thuận trong Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Đây là một điểm hoàn toàn mới trong Luật nên bài viết đưới đây sẽ làm rõ thỏa thuận tài sản vợ chồng là như thế nào?
Bộ luật Dân sự 2015;
Luật Hôn nhận và gia định 2014;
Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình.
Chế độ tài sản theo thỏa thuận là việc vợ chồng tự thỏa thuận và thỏa thuận cùng với nhau về việc xác lập và thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với tài sản của họ.
Chế độ tài sản theo thỏa thuận chỉ có hiệu lực khi và chỉ khi thỏa thuận này được lập trước khi kết hôn. Nếu trước khi xác lập hôn nhân mà vợ chồng không thực hiện thỏa thuận tài sản vợ, chồng thì sau khi kết hôn quyền được xác lập chế độ tài sản theo thỏa thuận này không được phép đặt ra, có nghĩa là họ hoàn toàn mất quyền thỏa thuận này, mà bắt buộc họ phải áp dụng chế độ tài sản theo luật định. Cũng như vậy, nếu có thỏa thuận xác lập chế độ tài sản theo thỏa thuận nhưng mà họ không xác lập hôn nhân thì thỏa thuận này cũng không có giá trị pháp lý bởi lẽ nó chỉ có giá trị pháp lý khi họ trở thành vợ chồng của nhau.
Chế độ tài sản theo thỏa thuận của vợ chồng cũng là một giao dịch dân sự nên giao dịch dân sự này phải tuân thủ các điều kiện được quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể là:
Để xác lập một giao dịch dân sự hợp pháp bất kỳ nào đó đòi hỏi chủ thể phải có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự định xác lập. Nếu vợ hoặc chồng hay cả hai đều là người chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự hay người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì khi họ xác lập chế độ tài sản theo thỏa thuận sẽ không có hiệu lực, có nghĩa là thỏa thuận này vô hiệu.
Theo điểm b khoản 2 Điều 5 và điểm b, d khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì vợ, chồng xác lập hôn nhân hợp pháp cũng phải hoàn toàn tự nguyện, không cưỡng ép hay đe dọa. Và theo Điều 17 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền và nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và các luật khác có liên quan. Do đó, vợ, chồng đều có quyền tự định đoạt tài sản của mình nên việc thực hiện chế độ tài sản theo thỏa thuận xuất phát từ chính ý muốn của họ nên khi xác lập chế độ tài sản theo thỏa thuận thì cả hai bên đều phải tự nguyện; nếu vợ, chồng bị ép buộc hay đe dọa để xác lập giao dịch thì giao dịch này bị vô hiệu.
Vợ chồng được phép tự do thỏa thuận nội dung về chế độ tài sản theo thỏa thuận nhưng thỏa thuận không được vi phạm nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng, không được xâm phạm đến lợi ích của người thứ ba được quy định tại các Điều 29, 30, 31, 32 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, cụ thể là:
Thứ nhất, đảm bảo quyền bình đẳng của vợ, chồng. Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.
Thứ hai, đảm bảo lợi ích chung của gia đình. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Nhu cầu thiết yếu là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình. Trong trường hợp vợ, chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên. Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng phải có sự thỏa thuận của vợ chồng. Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng thì chủ sở hữu có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải bảo đảm chỗ ở cho vợ chồng.
Thứ ba, đảm bảo quyền lợi của người thứ ba. Trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được áp dụng thì khi xác lập, thực hiện giao dịch vợ, chồng có nghĩa vụ cung cấp cho người thứ ba biết về những thông tin liên quan; nếu vợ, chồng vi phạm nghĩa vụ này thì người thứ ba được coi là ngay tình và được bảo vệ quyền lợi theo quy định của Bộ luật Dân sự.Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó. Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng đang chiếm hữu động sản mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó trong trường hợp Bộ luật dân sự có quy định về việc bảo vệ người thứ ba ngay tình. Theo Điều 8 Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình thì nếu vợ, chồng đã cung cấp những thông tin liên quan về chế độ thỏa thuận tài sản của vợ, chồng hay vợ chồng đã công khai thỏa thuận theo quy định của pháp luật có liên quan về việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản và người thứ ba biết hoặc phải biết nhưng vẫn xác lập, thực hiện giao dịch trái với những thông tin được cung cấp hay trái với thỏa thuận của vợ chồng thì người thứ ba này không được coi là ngay tình.
Ngoài ra, nếu nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình thì thỏa thuận về chế độ tài sản theo thỏa thuận của vợ chồng cũng bị vô hiệu.
Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường.
Tòa án là cơ quan có thẩm quyền tuyên bố thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu khi có yêu cầu của những người có quyền và lợi ích liên quan.
Theo Điều 48 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản là do các bên thỏa thuận nhưng bắt buộc phải có các nội dung cơ bản sau:
Vợ chồng có thể thỏa thuận tài sản giữa vợ và chồng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng hay thỏa thuận giữa vợ và chồng không có tài sản riêng của vợ, chồng mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc tài sản chung. Thậm chí, cũng có thể thỏa thuận giữa vợ và chồng không có tài sản chung mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có tài sản đó.
Đây là những nội dung cần thiết phải có trong một thỏa thuận, có như vậy tài sản chung, tài sản riêng cũng như nghĩa vụ, quyền lợi của các bên vợ chồng mới được xác định rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi để vợ chồng thực hiện đầy đủ cam kết cũng như thực hiện nghĩa vụ và quyền của họ đối với gia đình, giúp cơ quan nhà nước thuận lợi hơn khi giải quyết yêu cầu, tranh chấp của vợ chồng với nhau và người thứ ba.
Khi thực hiện chế độ tài sản theo thỏa thuận mà phát sinh những vấn đề chưa được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì áp dụng quy định tại các Điều 29, 30, 31 và 32 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và quy định tương ứng của chế độ tài sản theo luật định.
Vợ chồng có quyền thỏa thuận sửa đổi, bổ sung một phần hoặc toàn bộ nội dung của chế độ tài sản theo thỏa thuận bất kỳ lúc nào sau khi kết hôn; hay thậm chí, vợ chồng có thể thay đổi chế độ tài sản từ chế độ tài sản theo thỏa thuận sang chế độ tài sản theo luật định. Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung, thay đổi chế độ tài sản vợ chồng phải theo những quy định chung về thủ tục giống như khi xác lập thỏa thuận. Thỏa thuận sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng có hiệu lực từ ngày được công chứng hoặc chứng thực.
Vợ chồng có nghĩa vụ thông báo cho những người có quyền và lợi ích liên quan biết về thỏa thuận sửa đổi, bổ sung của mình. Quy định này tạo ra một cơ chế giám sát để đảm bảo những thỏa thuận của vợ chồng không xâm hại tới lợi ích chung của gia đình và những người khác có liên quan, bởi những người này có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thỏa thuận của vợ chồng vô hiệu theo các căn cứ luật định.
Quyền, nghĩa vụ về tài sản phát sinh trước thời điểm việc sửa đổi, bổ sung chế độ tài sản của vợ chồng có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Bạn cần Co-op Law tư vấn, hỗ trợ thực hiện các thủ tục thành lập doanh nghiệp nhanh chóng, nhằm ngăn ngừa các rủi ro pháp lý tiềm ẩn có thể xảy ra, hãy liên hệ Hotline: 0968.90.96.95 - 0978.90.96.95 hoặc gửi mail cho chúng tôi qua địa chỉ: Cooplaw.co@gmail.com để được tư vấn, hỗ trợ miễn phí.
Người gửi / điện thoại
Đánh giá
CÔNG TY LUẬT CO-OPERATIVE LAW
Là đơn vị chuyên Tư vấn và Hỗ trợ pháp luật toàn diện và chuyên nghiệp tại Việt Nam.
Với nhiều luật sư và chuyên gia trên nhiều lĩnh vực, chúng tôi tự hào có một đội ngũ có trình độ chuyên môn cao, uy tín khi đã giải quyết thành công các vụ/việc pháp lý trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: Hoạt động doanh nghiệp, M&A, Tài chính - Ngân hàng, Đất đai, Sở hữu trí tuệ, Lao động và Kế toán - thuế,...
ĐỊA CHỈ LIÊN HỆ:
- Tại Hồ Chí Minh: Lầu 14, Tòa nhà HM Town, Số 412 Đường Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 5, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
- Tại Tây Nguyên: Số 91 Đường Lê Thị Hồng Gấm, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Việt Nam
- Tại Hà Nội: Tầng 7, Tòa nhà Zen Tower, Số 12 Đường khuất Duy Tiến, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
Hotline: 0968.90.96.95 - 0978.90.96.95
Mail: Info@cooplaw.com.vn